Top 500 Doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam

CÔNG BỐ TOP 10 NƠI LÀM VIỆC TỐT NHẤT VIỆT NAM VIỆT NAM 2023
NGÀNH DU LỊCH – KHÁCH SẠN

Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2023, (Vietnam Top 10 Best WorkPlaces), Viet Research phối hợp với Báo Đầu tư công bố Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong ngành Du lịch – Khách sạn. Đây là những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc nhất về môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ người lao động, kết quả kinh doanh ổn định và bền vững.

Chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người lao động về phát triển nguồn nhân lực, đãi ngộ người lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và uy tín nhà tuyển dụng.

Danh sách Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam được lựa chọn dựa trên các nhóm tiêu chí có phân bổ trọng số phù hợp bao gồm:

Nhóm tiêu chí liên quan đến Nhân sự và Uy tín nhà tuyển dụng: Được đánh giá dựa trên Quy mô nhân sự, Cơ cấu lực lượng lao động, Uy tín thương hiệu nhà tuyển dụng.

Nhóm tiêu chí liên quan đến Hiệu quả Sản xuất Kinh doanh và Triển vọng tăng trưởng: Được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu liên quan đến Doanh thu, Tốc độ tăng trưởng, Thị phần.

Nhóm tiêu chí liên quan đến Thu nhập và Chế độ phúc lợi: Được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu liên quan đến Thu nhập bình quân của người lao động, Chính sách nhân sự, Sự hài lòng của người lao động, Môi trường làm việc và Văn hóa doanh nghiệp.

Danh sách các doanh nghiệp trong Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành Du lịch – Khách sạn năm 2023 được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình https://vbw10.vn/.

Sau đại dịch Covid-19, thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức mới như thương mại toàn cầu suy giảm mạnh, thị trường tài chính thắt chặt tại nhiều nền kinh tế lớn nhằm chống lại lạm phát khiến sự hồi phục ngành Du lịch Việt Nam trở nên khó khăn hơn. Theo báo cáo Tình hình Kinh tế – Xã hội của Tổng cục Thống kê, số lượt khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong năm 2022 cao gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 1/5 so với thời điểm trước dịch. Trong khi đó, số lượt khách nội địa lại có khởi sắc tích cực, doanh thu du lịch lữ hành trong năm 2022 trên cả nước đã có những cải thiện đáng kể khi tăng gấp 5 lần so với năm 2021 và phục hồi được khoảng 80% so với thời điểm trước đại dịch.

Theo ghi nhận từ kết quả phản hồi khảo sát doanh nghiệp VBW10 của Viet Research, nhu cầu chi tiêu cho ngành Du lịch – Khách sạn có nhiều triển vọng tăng trưởng nhưng các công ty trong lĩnh vực này lại đang đứng trước tình trạng thiếu hụt lớn nhân sự chất lượng, có chuyên môn cao. Đặc biệt là trong những khu nghỉ dưỡng 4 – 5 sao, việc tuyển dụng các vị trí cấp quản lý, những nhân sự có trình độ nghiệp vụ cùng khả năng ngoại ngữ gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, nhiều khách sạn, nhà hàng vẫn còn đang loay hoay trong việc lấp đầy các vị trí nhân sự, đặc biệt là những nhân sự cấp cao.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, số lượng nhân sự trong cơ sở lưu trú du lịch hiện nay chỉ khoảng 350.000 người, đáp ứng 70% nhu cầu. Mỗi năm, ngành Du lịch cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Tuy vậy hàng năm các trường chỉ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên, trong đó tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động ngành Du lịch.

Theo đánh giá, sự thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực du lịch sẽ diễn ra trong một vài năm tới. Bởi lẽ trong suốt 2 năm 2020 – 2021, tác động của dịch Covid-19 khiến các công ty du lịch, khách sạn tạm dừng hoạt động hoặc vận hành cầm chừng dẫn tới quy mô lao động giảm mạnh, cũng như việc thực hành kỹ năng nghề nghiệp không thể triển khai. Hơn nữa, giai đoạn 2020 – 2022, công tác tuyển sinh ngành Du lịch của các trường cũng bị giảm sút đáng kể, việc không ổn định đầu vào dẫn đến khó đảm bảo đầu ra chất lượng cho ngành Du lịch.

Đặc biệt, xu hướng chuyển đổi số tại các công ty lữ hành hay khách sạn thông minh đang được áp dụng ngày càng phổ biến nhưng số lượng lao động được đào tạo và trang bị các kỹ năng công nghệ, sử dụng AI, học máy, các thiết bị thực tế ảo và Internet vạn vật (IoT) còn rất hạn chế. Thị trường lao động trong ngành Du lịch – Khách sạn mặc dù có rất nhiều tiềm năng nhưng trình độ lao động lại không theo kịp khiến năng suất lao động trong ngành này còn tương đối thấp, thu nhập trung bình trong ngành này thấp hơn so với bình quân cả nước trong năm 2022.

Kết quả khảo sát mới nhất từ các doanh nghiệp VBW10 ngành Du lịch – Khách sạn của Viet Research đã chỉ ra 04 xu hướng công việc và tuyển dụng của ngành trong thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, sự ra đời của mô hình trải nghiệm khách hàng sẽ đáp ứng xu hướng cá nhân hóa ngày càng phổ biến, khách hàng được lựa chọn những tiện nghi mà họ muốn để có trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Điều này không những đòi hỏi doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn cần xây dựng và phân tích kho dữ liệu hồ sơ khách hàng từ lịch sử sử dụng dịch vụ trước đó mà còn cần đội ngũ nhân viên có hiểu biết sâu sắc, quan sát tốt để tạo ra trải nghiệm riêng, để lại dấu ấn cho khách hàng.

Thứ hai, du lịch kết hợp ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Không chỉ đơn thuần là vui chơi, chụp ảnh, khách du lịch ngày nay đang quan tâm hơn tới dịch vụ ăn uống, công viên, khu vui chơi giải trí, các buổi biểu diễn nghệ thuật hay du lịch nghỉ dưỡng kết hợp phục hồi sức khỏe. Các vị trí công việc trong lĩnh vực này đang đòi hỏi ở người lao động nâng cao kỹ năng dịch vụ, tổ chức và quản lý để phục vụ khách hàng, đồng thời mang lại cơ hội tốt để thăng tiến nghề nghiệp.

Thứ ba, các doanh nghiệp trong VBW10 ngành Du lịch – Khách sạn đang tập trung giữ chân nhân sự tài năng bằng việc xây dựng cơ chế làm việc linh hoạt, đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực nội bộ giúp người lao động có lộ trình nghề nghiệp rõ ràng, đồng thời đào tạo bổ sung các kỹ năng cần thiết trong công việc, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, bổ ích cho nhân viên, từ đó sẽ tạo ra dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng.

Thứ tư, du lịch sinh thái bền vững được quan tâm nhiều hơn. Sau Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP 26 và ra mắt Tuyên bố Glasgow về hành động vì khí hậu, các quốc gia được kêu gọi đẩy nhanh hành động về khí hậu trong du lịch. Vì vậy, các doanh nghiệp trong VBW10 ngành Du lịch – Khách sạn tham gia khảo sát của Viet Research cũng cho biết, xu hướng du lịch sinh thái bền vững đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với khả năng phục hồi của ngành. Ngày càng có nhiều khách du lịch quan tâm tới xu hướng này, họ lựa chọn điểm đến sau khi xem xét đến yếu tố môi trường, văn hóa, nền kinh tế và con người. Phát triển du lịch bền vững không những mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động tại địa phương, đồng thời bảo tồn và duy trì tính nguyên vẹn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo môi trường trong sạch.

Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực Du lịch – Khách sạn, đặc biệt là các doanh nghiệp trong Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành Du lịch – Khách sạn đang nỗ lực xây dựng đội ngũ nhân sự với các quy trình đào tạo bài bản đồng thời tạo ra môi trường làm việc linh hoạt, gia tăng chế độ đãi ngộ, phúc lợi cho nhân viên, thu nhập bình quân của người lao động cao gấp gần 2 lần so với trung bình toàn ngành. Những thay đổi như vậy đã và đang giúp các doanh nghiệp VBW10 ngành Du lịch – Khách sạn có được hình ảnh thương hiệu truyền thông nhà tuyển dụng tốt, thu hút được nhiều lao động chất lượng cao, từ đó nhanh chóng phục hồi và phát triển hơn trong tương lai.

Lễ công bố Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2023 ngành Du lịch – Khách sạn sẽ được công bố chính thức tại Hội nghị “Tái định hình các xu hướng môi trường làm việc Việt Nam trong bối cảnh mới” được tổ chức vào tháng 11/2023 tại Khách sạn Pullman, Hà Nội và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình https://vbw10.vn/ và trên các kênh truyền thông đại chúng.