Phát triển bền vững thông qua các Doanh nghiệp tạo giá trị
Những thách thức như toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng thu nhập đang kêu gọi sự tăng cường các quy định và thay đổi cơ bản trong quản trị doanh nghiệp. Theo đó, các công ty cần đưa vào quyết định chiến lược của mình một kế hoạch hướng đến việc tạo giá trị rộng hơn thay vì chỉ giới hạn ở các cổ đông. Đây là một quan điểm đã có ảnh hưởng lâu dài ở châu Âu, và thường được tích hợp vào các cấu trúc quản trị doanh nghiệp. Cách tiếp cận này cũng đang nhận được sự quan tâm tại các nước khác, với sự xuất hiện của các công ty lợi ích công cộng, nơi các giám đốc được trao quyền rõ ràng để xem xét các lợi ích của các nhóm đối tượng khác ngoài cổ đông.
Đối với các nhà điều hành quan tâm đến giá trị, việc tạo ra giá trị không thể chỉ giới hạn ở việc tối đa hóa giá cổ phiếu hiện tại. Thay vào đó, nên hướng đến một mục tiêu rộng hơn: Tạo ra các giá trị bền vững, dài hạn cho cho cổ đông, cho người lao động và cho xã hội. Điều này đồng nghĩa với các doanh nghiệp thành công cần phải thúc đấy chuyển đổi chiến lược kinh doanh từ mô hình tận thu giá trị (value extraction model) sang mô hình kiến tạo giá trị (value creation model), tiến hành những chuyển đổi chiến lược sâu sắc để hướng tới các mục tiêu dài hạn hơn như tăng năng suất, tăng tính thích ứng và tăng khả năng phát triển bền vững.
Tạo ra giá trị cho cổ đông và các bên liên quan: Một cách tiếp cận cân bằng
Đối với các công ty thành công trên toàn thế giới, việc tạo ra giá trị cổ đông dài hạn đòi hỏi phải thỏa mãn các bên liên quan khác. Bạn không thể tạo ra giá trị dài hạn bằng cách bỏ qua nhu cầu của khách hàng, nhà cung cấp và nhân viên của mình. Đầu tư cho tăng trưởng bền vững sẽ tạo ra các nền kinh tế có sức mạnh hơn, mức sống cao hơn và nhiều cơ hội hơn cho các thành viên trong đó. Bên cạnh việc tạo ra lợi nhuận bền vững, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người lao động, những cam kết và thực thi trong các lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng tạo ra giá trị cho xã hội. Ví dụ, bộ công cụ miễn phí cho giáo dục của Alphabet, bao gồm Google Classroom, không chỉ nhằm trang bị cho giáo viên các tài nguyên để làm cho công việc của họ dễ dàng hơn và hiệu quả hơn, mà còn có thể giúp học sinh trên khắp thế giới làm quen với các ứng dụng của Google—đặc biệt là những học sinh ở các cộng đồng thiệt thòi có thể không có cơ hội tiếp cận máy tính. Hay với trường hợp của Lego, sứ mệnh của Lego là “Hãy chơi TỐT”—sử dụng sức mạnh của trò chơi để truyền cảm hứng cho “những công nhân của tương lai, cho môi trường và cộng đồng của họ”— tạo ra chương trình kết nối hàng chục trẻ em ở vùng nông thôn Trung Quốc với các bậc cha mẹ đang làm việc của trẻ. Các chương trình như vậy đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thương hiệu của Lego trong cộng đồng và ngay cả trong nội bộ công ty. Theo đó, báo cáo về mức độ động lực và hài lòng của nhân viên Lego vượt mục tiêu năm 2018 tới 50%. Cũng vậy, nỗ lực của tập đoàn toàn cầu Sodexo trong việc khuyến khích cân bằng giới tính trong đội ngũ quản lý. Sodexo cho biết chương trình này không chỉ tăng tỷ lệ giữ chân nhân viên lên 8%, mà còn tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng lên 9% và cải thiện biên lợi nhuận hoạt động thêm 8%.
Để tạo ra giá trị dài hạn cho cổ đông, người lao động và xã hội, các lãnh đạo doanh nghiệp thành công khi phải đối mặt với các sự đánh đổi, nên ưu tiên tạo ra giá trị dài hạn, dựa trên những lợi thế mà điều này mang lại cho việc phân bổ nguồn lực và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp mình.
Nhận xét về điều này, GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế cho biết, để cân bằng giữa việc tối đa hóa lợi nhuận và thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH), doanh nghiệp cần xem việc cân bằng này không chỉ là xác định lại bài toán tối đa hóa lợi nhuận về mặt tài chính khi tính “thêm” các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị liên quan đến trách nhiệm xã hội của mình và sự cân bằng này cần có cách tiếp cận toàn diện hơn, đó là sự thay đổi nhận thức từ triết lý rất thông dụng của “kinh doanh truyền thống là vì lợi nhuận” sang “kinh doanh hài hòa lợi ích của các bên có liên quan”.
Muốn vậy, theo GS.TS Trần Thọ Đạt, doanh nghiệp cần thực hiện một số chiến lược và biện pháp sau: (i) Định hình và xác định rõ các mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu TNXH, đảm bảo các mục tiêu này có thể lồng ghép, tương hỗ và hỗ trợ lẫn nhau, (ii) Tích hợp các nguyên tắc bền vững vào chiến lược kinh doanh, đảm bảo rằng mục tiêu lợi nhuận không gây tổn thất cho môi trường và cộng đồng, (iii) Bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp cần trực tiếp cam kết và dẫn dắt các hoạt động trách nhiệm xã hội, đầu tư vào các chương trình và dự án cộng đồng, tạo cơ hội việc làm và hỗ trợ phát triển cho cộng đồng địa phương, (iv) đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình về các hoạt động trách nhiệm xã hội, thực hiện báo cáo định kỳ về tác động xã hội và môi trường của doanh doanh, (v) tìm kiếm các cơ hội mới để kết hợp trách nhiệm xã hội vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi có lợi nhuận.
Các biện pháp nhằm cân bằng tối đa hóa lợi nhuận và thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Value500 – Công nhận các doanh nghiệp tạo giá trị tại Việt Nam Lần đầu tiên tại Việt Nam, Chương trình nghiên cứu toàn quốc về Top 500 Doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam 2024 – Value500 được nghiên cứu và công bố bởi Viet Research và Báo Đầu tư để xác định và công bố các doanh nghiệp tạo giá trị trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, dựa trên việc nghiên cứu, đánh giá các nhóm chỉ tiêu đối với từng doanh nghiệp. Đây là cộng đồng doanh nghiệp lớn có tầm ảnh hưởng, đã đạt được những thành công trong phát triển, không chỉ là những người dẫn đầu về doanh thu, lợi nhuận, đóng góp ngân sách, mà còn là những người tiên phong trong việc định hình xu hướng phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực cho xã hội, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đem lại giá trị cho cổ đông, các bên liên quan và toàn xã hội. Việc nghiên cứu, đánh giá và vinh danh các công ty này không chỉ là một sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực của doanh nghiệp mà còn là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp khác cùng hướng tới mục tiêu phát triển dài hạn, bền vững và tạo dựng giá trị cho xã hội. Được vinh danh trong Value500 chứng tỏ doanh nghiệp không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn chú trọng đến việc tạo ra giá trị lâu dài cho cổ đông, khách hàng, nhân viên và cộng đồng. Giá trị này bao gồm cả các yếu tố tài chính và phi tài chính như sự hài lòng của khách hàng, phúc lợi nhân viên, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Những giá trị này giúp tạo nên một thương hiệu uy tín và bền vững, thu hút được lòng tin và sự ủng hộ từ nhiều phía. |